DIỄN PHÚC - ĐIỂM ĐẾN CỦA MIỀN DU LỊCH

Thứ hai - 16/10/2023 14:33
DIỄN PHÚC - ĐIỂM ĐẾN CỦA MIỀN DU LỊCH
Xã Diễn Phúc với vị trí địa lý cách trung tâm huyện Diễn Châu khoảng 1,5km, tổng diện tích đất tự nhiên là 4,71ha, dân số 5.341 khẩu. Toàn xã chia thành 6 xóm. Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp kết hợp với buôn bán nhỏ và các ngành nghề lao động phổ thông. Xã có 2 HTX Nông nghiệp, 2 trường học và 1 trạm Y tế, Trung tâm y tế và Bệnh viện đa khoa Diễn Châu đóng trên địa bàn xã, là vùng phụ cận có con đường quốc lộ 1A, Quốc lộ 7A, Đường 205 và đường sắt Bắc nam đi qua nên thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hoá và thông tin.
Xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng. Từ bao đời nay, người dân nơi đây đã có tinh thần yêu nước, đoàn kết, đấu tranh chống thiên tai, địch họa và các thế lực ngoại xâm, điều đó thể hiện qua các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cùng với nhân dân cả nước nói chung.
Trong hơn những năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Diễn Phúc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giữ vững và phát huy thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từng bước xây dựng và củng cố hậu phương không ngừng vững mạnh, đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Trong thắng lợi vẻ vang đó của dân tộc, có một phần xương máu của những người con Diễn Phúc và biết bao nam nữ thanh niên vượt đường xa tham gia phục vụ kháng chiến. 
Sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, cùng với toàn huyện, nhân dân Diễn Phúc nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành cải cách ruộng đất, cả tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1965, cùng với toàn miền Bắc, Diễn Phúc bước vào cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Diễn Phúc đã thể hiện phẩm chất kiên cường, không ngại gian khổ, hy sinh với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc quê hương. Hàng trăm con em Diễn Phúc đã lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Người ở lại vừa giữ vững hậu phương, vừa tích cực lao động sản xuất để chi viện lương thực, thực phẩm cho chiến trường... đóng góp một phần quan trọng trong thắng lợi chung của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. 
Đất nước hòa bình, thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Đảng bộ và nhân dân Diễn Phúc đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng Diễn Phúc trở thành đơn vị có tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại khá của huyện Diễn Châu. Bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  
Cùng với việc đầu tư phát triển mọi mặt, trong những năm gần đây xã Diễn Phúc đầu tư phát triển du lịch. Hướng đầu tư cho phát triển du lịch chính là hướng đến việc phát huy những giá trị truyền thống văn hoá vốn có, phát triển những tiềm năng du lịch mới như du lịch trải nghiệm nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá truyền thống… Bước đầu lĩnh vực du lịch đã có khởi sắc và thu hút được nhiều du khách thăm quan.
Xã Diễn Phúc hiện tại có 01 di tích được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, thuộc cấp tỉnh quản lý gồm: Nhà thờ họ Trần và Mộ quản giáp ca trù Trần Đức Lương. Được UBND tỉnh Quyết định số 5740/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hàng năm, tại nhà thờ họ Trần diễn ra nhiều kỳ lễ như Tết nguyên đán, rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy. Ngày 05/6/2023 (tức ngày 18/4 năm Quý Mão) đã tổ chức Lễ giỗ thủy tổ ông Trần Đức Chính là ông tổ của nghề ca trù. Đây là dịp con cháu họ Trần khắp nơi trên mọi miền đất nước tập trung đông đủ, cũng là dịp để giao lưu các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn huyện Diễn Châu nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa, lưu truyền cho thế hệ mai sau.
IMG20230605082414
LỄ GIỖ THỦY TỔ CA TRÙ DIỄN CHÂU - DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH

Cây đa – giếng nước – đình làng là những giá trị văn hoá làng mà bất cứ làng quê Việt Nam ở khu vực Miền Bắc và Miền Trung nào khi nhắc đến đều khắc khoải những hình ảnh của làng quê – nơi chôn nhau cắt rốn nuôi ta khôn lớn trưởng thành. Những giá trị này vẫn luôn hiện hữu ở các làng xã Diễn Phúc. Đây cũng là điểm đến của tất cả các du khách khi ghé thăm Diễn Phúc.
đình làng Tràng Thân
ĐÌNH LÀNG TRÀNG THÂN - NƠI LƯU GIỮ GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Hiện xã Diễn Phúc đang tập trung kêu gọi để mở rộng đầu tư tại các khu văn hóa truyền thống như: Khu du lịch sinh thái đầm sen ở Phúc Nguyên, Vườn ươm cây cảnh ở xóm Tân Đoài, các loại hình dịch vụ du lịch khác.
sen 4
ĐẦM SEN BÁT NGÁT

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình du lịch, quảng bá các hình ảnh, sản phẩm của địa phương. Nhất là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng OCOP như nước mắm Bà Vinh ở xóm Yên Xuân và một số sản phẩm đang trong quá trình xây dựng thương hiệu nhằm thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm và sử dụng sản phẩm.
nước mắm
THƯỞNG THỨC NƯỚC MẮM BÀ VINH - SẢN PHẨM OCOP 3 SAO

Nhằm quảng bá về những địa điểm du lịch, UBND xã đã xây dựng trên Cổng thông tin điện tử của xã chuyên mục riêng và thông tin về các điểm du lịch của xã được thường xuyên cập nhật để du khách có thể lựa chọn điểm đến lý tưởng cho những chuyến đi sau những bận rộn của công việc và cuộc sống.
 
 

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Hảo - Công chức VH-XH

Nguồn tin: dienphuc.dienchau.nghean.gov.vn

 Từ khóa: Du lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Các tin khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây