Định hướng tuyên truyền và nội dung tuyên truyền các văn bản trong tháng 6 năm 2024

Thứ ba - 04/06/2024 15:12
Thực hiện Công văn số 117/HĐ-TP ngày 30/5/2024 của Hội đồng PHPBGDPL huyện Diễn Châu về triển khai văn bản và định hướng tuyên truyền tháng 06/2024, Ban TTPBGDPL xã triển khai một số văn bản pháp luật mới và định hướng tuyên truyền tháng 06/2024
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU
MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 06/2024

1. Nghị định 41/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024.
Nghị định 41/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 16/04/2024 để sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Theo đó, Nghị định 41/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/06/2024, sửa đổi, bổ sung một số quy định nổi bật sau đây:
Sửa đổi thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe
Theo quy định mới, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe bao gồm:
- Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục IV kèm theo Nghị định 65/2016/NĐ-CP ;
- Bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao được chứng thực điện tử từ bản chính);
- Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao được chứng thực điện tử từ bản chính);
- 01 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm nền màu xanh, kiểu thẻ căn cước, được chụp trong thời gian không quá 06 tháng.
Trường hợp giấy tờ quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định 65/2016/NĐ-CP đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thì việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử.
Sửa đổi, bổ sung trường hợp thu hồi GPKD và việc chấp hành quyết định thu hồi GPKD của đơn vị kinh doanh vận tải
- Bổ sung thêm 02 trường hợp bị thu hồi GPKD đối với đơn vị kinh doanh vận tải
- Sửa đổi việc chấp hành theo quyết định thu hồi GPKD của cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, thời hạn để các đơn vị vận tải phải chấp hành thực hiện quyết định thu hồi GPKD, nộp lại phù hiệu, biển hiệu, GPKD và dừng việc hoạt động kinh doanh được kéo dài thành 10 ngày thay vì 07 ngày như quy định hiện hành
2. Nghị định 45/2024/NĐ-CP ngày 26/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2024.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2.1.Về nguyên tắc cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ), Điều 15 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP quy định:
- Hoạt động cho vay của Quỹ được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với quy định tại Nghị định này.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn của Quỹ phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận với Quỹ.
- Đồng tiền cho vay, trả nợ là đồng Việt Nam.
Ngoài 3 nguyên tắc trên, Nghị định 45/2024/NĐ-CP bổ sung thêm nguyên tắc: Doanh nghiệp đã được vay vốn của Quỹ được xem xét cho vay đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới từ nguồn vốn của Quỹ nếu doanh nghiệp đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn.
Nguyên tắc này nhằm hạn chế một doanh nghiệp trong cùng một giai đoạn vay vốn dàn trải cho nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Đồng thời, sau khi doanh nghiệp hoàn trả hết sẽ đủ cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả, khả năng và nhu cầu thực sự hỗ trợ lần tiếp theo.
2.2. Sửa đổi, bổ sung điều kiện vay vốn
Bên cạnh đó, Nghị định 45/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về khoản 1,2,3 Điều 16 về điều kiện vay vốn. Theo đó:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được vay vốn của Quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau:
+ Đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành;
+ Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và đảm bảo phù hợp với tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
+ Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh;
+ Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định tại Nghị định này.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành được vay vốn của Quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau:
+ Tham gia cụm liên kết ngành theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành;
+ Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi trong ngành, lĩnh vực của cụm liên kết ngành;
+ Đáp ứng quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị được vay vốn của Quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau:
+ Tham gia chuỗi giá trị theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành;
+ Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và có sản phẩm thuộc chuỗi giá trị;
+ Đáp ứng quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này.
3. Nghị định 44/2024/NĐ-CP ngày 24/4/2024 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2024.
Nghị định 44/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 24/04/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 10/6/2024.
Theo đó, Nghị định 44/2024/NĐ-CP bao gồm 3 chương, trong đó Chương I là những quy định chung, Chương II quy định về việc giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Chương III có 6 Mục, quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Nổi bật trong Nghị định 44/2024/NĐ-CP là phần Chương III, các quy định tại chương này bao gồm quy định về hồ sơ quản lý, kế toán; quy định về việc bảo trì công trình cùng với các quy định về khai thác, quản lý, sử dụng và chế độ báo cáo dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, Nghị định 44/2024/NĐ-CP còn ban hành kèm theo Phụ lục các biểu mẫu về biên bản, danh mục, đề án khai thác, sử dụng, quản lý các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
4. Thông tư 05/2024/TT-BGTVT ngày 31/3/2024 của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024.
Ngày 31/3/2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái (gọi tắt là Thông tư 05). Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2024.
09 điểm mới đáng lưu ý của Thông tư này như sau:
4.1. Giấy phép lái xe trên VNeID là giấy phép hợp lệ
Trước đây, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT chỉ ghi nhận giấy phép lái xe bằng vật liệu PET hợp lệ là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe
Theo quy định mới tại Thông tư 05, ngoài giấy phép lái xe bản cứng như trên thì  thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VneID cũng được coi là giấy phép lái xe hợp lệ.
4.2. Bị thu hồi giấy phép lái xe nếu cho người khác mượn
Thông tư 05 bổ sung nhiều trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe tại Thông tư 12. Đáng chú ý, nếu bị phát hiện cho người khác mượn giấy phép lái xe thì có thể bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép.
4.3. Quy định mới về xử lý giấy phép lái xe bị thu hồi
Đây là quy định hoàn toàn mới tại Thông tư 05 để hướng dẫn xử lý đối với trường hợp giấy phép lái xe bị thu hồi. Cụ thể:
Người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch lại như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.
4.4. Hướng dẫn về thời gian học lái xe ban đêm
Học lái xe ban đêm là một trong những nội dung thực hành khi học lái xe ô tô, tuy nhiên trước đây chưa có hướng dẫn cụ thể về thời gian.
Thông tư 05 đã bổ sung quy định chỉ rõ thời gian học lái xe ban đêm được tính từ 18 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ sáng ngày hôm sau.
4.5. Thi bằng B2, C, D, E, F được học lý thuyết online
Trước đây, khoản 2 Điều 8 Thông tư 12 quy định, người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và giấy phép lái xe các hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở được phép đào tạo và phải được kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo.
Trong 01 năm kể từ ngày kết thúc kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp khóa đào tạo, nếu không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới.
Theo quy định mới tại Thông tư 05, theo quy định mới, người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và các hạng F có thể lựa chọn học online đối với một số nội dung lý thuyết.
4.6. Thay đổi hồ sơ học lái xe: Không cần nộp bản sao Căn cước công dân
Trước đây, hồ sơ học lái xe cần có bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn đối với người Việt Nam; sao hộ chiếu còn hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú đối với người nước ngoài.
Theo quy định mới, hồ sơ học lái xe đã được đơn giản hóa, người học không cần nộp các giấy tờ chứng minh nhân thân nữa.
4.7. Quy định mới về hạng giấy phép dùng cho xe cải tạo
Trước đây, khoản 13 Điều 16 Thông tư 12 quy định giấy phép lái xe hạng D sử dụng cho người lái xe ô tô chở khách từ 10-30 chỗ, hạng E sử dụng cho xe trên 30 chỗ. Trong đó, số chỗ ngồi trên xe được tính theo số chỗ trên xe ô tô khách cùng kiểu loại hoặc xe ô tô có kích thước giới hạn tương đương chỉ bố trí ghế ngồi.
Đối với trường hợp này, Thông tư 05 đã có quy định sửa đổi bổ sung để tránh xảy ra khúc mắc. Theo đó, xe cải tạo có số chỗ ít hơn xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương thì hạng giấy phép lái xe được tính theo xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương.
4.8. Hồ sơ sát hạch lái xe không còn gửi đến Cục Đường bộ Việt Nam
Trước đây, hồ sơ dự sát hạch lái xe phải gửi trực tiếp tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.
Theo quy định mới, hồ sơ sát hạch lái xe sẽ chỉ gửi đến Sở Giao thông Vận tải và có thể gửi qua đường bưu chính, văn bản điện tử. 
4.9. Ban hành quy trình sát hạch lái xe mới
Thông tư 05 ban hành các phụ lục mới về quy trình sát hạch lái xe các hạng: hạng A1 và A2; hạng A3 và A4; hạng B1, B2, C, D, E; hạng FB2, FD và FE; hạng FC.
5. Thông tư 11/2024/TT-BGTVT ngày 26/4/2024 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 15/6/2024.
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 11/2024/TT-BGTVT ngày 26 tháng 4 năm 2024 quy định về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới.
​Theo đó, Thông tư này quy định về mức giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới.
Đối tượng áp dụng theo Thông tư là tổ chức, cá nhân được đơn vị đăng kiểm thực hiện lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới miễn kiểm định lần đầu và in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới; các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới.
Thông tư quy định về mức giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới và trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan như sau:
- Mức giá lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu là: 46.000 đồng/xe; mức giá dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới là: 23.000 đồng/lần/xe. Giá dịch vụ quy định tại khoản này đã bao gồm chi phí tổ chức thu Lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
- Đơn vị đăng kiểm sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
- Đơn vị đăng kiểm có nghĩa vụ công khai thông tin và niêm yết giá dịch vụ theo quy định pháp luật về giá, thực hiện chính sách thuế, nộp thuế theo quy định pháp luật thuế, quản lý thuế hiện hành.
- Tổ chức, cá nhân được đơn vị đăng kiểm cung cấp dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới có trách nhiệm thanh toán giá dịch vụ cho đơn vị đăng kiểm theo mức giá quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 6 năm 2024. Trường hợp văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được ban hành mới hoặc được bổ sung, sửa đổi thì sẽ áp dụng theo văn bản mới hoặc theo văn bản bổ sung, sửa đổi.
6. Thông tư 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/3/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024.
Ngày 28/3/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN (gọi là Thông tư 02) quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. một số Quy định mới về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa như sau:
6.1. Về đối tượng áp dụng
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa (Khoản 1, Điều 2 Thông tư 02);
- Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa (Khoản 1, Điều 2 Thông tư 02);
- Cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan (Khoản 1, Điều 2 Thông tư 02).
6.2. Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm các nguyên tắc sau:
a) Nguyên tắc “Một bước trước – một bước sau”: bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm, hàng hóa (Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Thông tư 02);
b) Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng (Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Thông tư 02);
c) Nguyên tắc “Minh bạch”: hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất (Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Thông tư 02);
d) Nguyên tắc “Sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức (Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Thông tư 02).
6.3. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin sau:
a) Tên sản phẩm, hàng hóa (Điểm a, Khoản 3, Điều 6 Thông tư 02);
b) Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa (Điểm b, Khoản 3, Điều 6 Thông tư 02);
c) Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh (Điểm c, Khoản 3, Điều 6 Thông tư 02);
d) Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh (Điểm d, Khoản 3, Điều 6 Thông tư 02);
đ) Các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn) (Điểm đ, Khoản 3, Điều 6 Thông tư 02);
e) Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra) (Điểm e, Khoản 3, Điều 6 Thông tư 02);
g) Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa (Điểm g, Khoản 3, Điều 6 Thông tư 02);
h) Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có) (Điểm h, Khoản 3, Điều 6 Thông tư 02);
i) Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có) (Điểm l, Khoản 3, Điều 6 Thông tư 02);
k) Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng (Điểm k, Khoản 3, Điều 6 Thông tư 02).
6.4. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bao gồm tối thiểu các thông tin sau:
a) Tên sản phẩm, hàng hóa (Điểm a, Khoản 5, Điều 6 Thông tư 02);
b) Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa (Điểm b, Khoản 5, Điều 6 Thông tư 02);
c) Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh (Điểm c, Khoản 5, Điều 6 Thông tư 02);
d) Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh (Điểm d, Khoản 5, Điều 6 Thông tư 02);
đ) Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra) (Điểm đ, Khoản 5, Điều 6 Thông tư 02);
e) Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có) (Điểm e, Khoản 5, Điều 6 Thông tư 02);
g) Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có) (Điểm g, Khoản 5, Điều 6 Thông tư 02);
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2024.
7. Thông tư 07/2024/TT-BCT ngày 12/4/2024 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024.
Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với các Nhà máy điện hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đấu nối với hệ thống điện quốc gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nội dung về phương pháp xác định giá phát điện quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với các đối tượng sau: nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng biểu giá chi phí tránh được, nhà máy điện độc lập được đầu tư theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), nhà máy điện và tổ máy cung cấp dịch vụ phụ trợ; nhà máy điện áp dụng cơ chế giá mua điện tại các văn bản của cấp có thẩm quyền.
Nội dung về Hợp đồng mua bán điện mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này không áp dụng đối với các đối tượng sau: nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng biểu giá chi phí tránh được, nhà máy điện độc lập được đầu tư theo hình thức BOT, nhà máy điện và tổ máy cung cấp dịch vụ phụ trợ, nhà máy điện áp dụng cơ chế giá mua điện tại các văn bản của cấp có thẩm quyền. Nội dung về Hợp đồng mua bán điện mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này không áp dụng đối với nhà máy điện mặt trời, điện gió, trừ trường hợp tham gia thị trường điện cạnh tranh.
Nhà máy điện chưa có cơ chế giá mua điện do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công Thương quy định thực hiện theo Điều 9 Thông tư này.
Nguyên tắc xác định giá phát điện như sau:
- Giá phát điện của nhà máy điện được xây dựng trên cơ sở: Các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ của Chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án; Tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%.
- Giá phát điện của nhà máy điện, bao gồm các thành phần sau: Giá hợp đồng mua bán điện: Do Bên bán và Bên mua thỏa thuận và được xây dựng theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư này; Giá đấu nối đặc thù (nếu có): Do Bên bán và Bên mua thỏa thuận và được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 8 Thông tư này.
- Giá phát điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và đối với nước thải công nghiệp (áp dụng đối với nhà máy nhiệt điện) và các khoản thuế, phí, các khoản thu bằng tiền khác theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trừ các khoản thuế, phí đã được tính trong phương án giá phát điện).
- Giá hợp đồng mua bán điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở:
Giá hợp đồng mua bán điện Năm cơ sở không vượt quá khung giá phát điện Năm cơ sở của nhà máy điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, trong đó giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở được tính toán trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng với thành phần chi phí tính toán khung giá phát điện;
Trường hợp Năm cơ sở của nhà máy điện không có khung giá phát điện, giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện được tính toán quy đổi trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng để so với khung giá phát điện của năm gần nhất của loại hình nhà máy điện đó.
Đối với việc xác định giá cố định từng năm của hợp đồng mua bán điện, Thông tư quy định như sau: Bên bán và Bên mua có quyền áp dụng giá cố định bình quân đã thỏa thuận cho các năm trong thời hạn hợp đồng. Trường hợp Bên bán và Bên mua thống nhất quy đổi giá cố định bình quân đã thỏa thuận thành giá cố định từng năm thì việc xác định các mức giá cố định này phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều này. Trên cơ sở các điều kiện vay vốn thực tế và khả năng tài chính của dự án, Bên bán và Bên mua thỏa thuận giá cố định bình quân của nhà máy điện thành giá cố định từng năm (FCj Giá cố định năm j) với điều kiện đảm bảo giá cố định bình quân không thay đổi so với mức giá đã được Bên bán và Bên mua thỏa thuận và tuân thủ theo các nguyên tắc sau: 1. Tỷ suất chiết khấu tài chính khi tính toán giá cố định từng năm do Bên bán và Bên mua thỏa thuận bằng tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) của nhà máy điện; 2. Chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ hoàn trả các khoản vay cho đầu tư xây dựng nhà máy điện theo thời hạn hoàn trả vốn vay.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ: Đối với các hợp đồng mua bán điện đã ký kết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, Bên bán và Bên mua tiếp tục thực hiện Hợp đồng mua bán điện đã ký đến hết thời hạn hợp đồng. Đối với các dự án điện đã ký kết Hợp đồng mua bán điện theo phương pháp quy định tại Thông tư số 56/2014/TT-BCT, Thông tư số 51/2015/TT-BCT và các dự án điện mới khởi công trước ngày 19 tháng 9 năm 2017, khi có vốn đầu tư quyết toán Bên bán và Bên mua có quyền đề nghị được thực hiện tính lại giá phát điện theo Vốn đầu tư quyết toán được duyệt theo quy định tại Điều 15 Thông tư này. Đối với nhà máy điện đã ký kết Hợp đồng mua bán điện, Bên bán và Bên mua có quyền đàm phán, thống nhất sửa đổi hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Thông tư này. Đối với từng giai đoạn thị trường điện, Bên bán và Bên mua có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung các điều khoản tại Hợp đồng mua bán điện cho phù hợp với quy định từng cấp độ thị trường điện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2024 và thay thế Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện. Bãi bỏ Điều 2 Thông tư số 31/2022/TT-BCT ngày 08 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện và Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện. Bãi bỏ Thông tư số 02/2023/TT-BCT ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương bãi bỏ một số quy định tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.
BAN TUYÊN TRUYỀN PBGD PHÁP LUẬT XÃ

Nguồn tin: dienphuc.dienchau.nghean.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Các tin khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây