Trang thông tin điện tử xã Diễn Phúc - Huyện Diễn Châu - Tỉnh Nghệ An

https://dienphuc.dienchau.nghean.gov.vn


VĂN HÓA LÀNG - GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM

Văn hóa là tổng hợp các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Văn hóa làng quê là cội nguồn của nền văn hóa Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa làng quê đã tạo dựng những giá trị riêng, đặc sắc, làm nên hồn cốt của dân tộc. Cùng với những biến đổi mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bức tranh văn hóa làng cũng có sự biến đổi đa dạng, phức tạp, từ diện mạo, cảnh quan đến lối sống, các phong tục, tập quán, quan hệ xã hội, cách thức tiếp cận thông tin và giải trí.
VĂN HÓA LÀNG  - GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM
NHỮNG NÉT BIẾN ĐỔI VĂN HOÁ LÀNG XÃ TRUYỀN THỐNG NGƯỜI VIỆT Ở DIỄN PHÚC TRONG XU THẾ PHÁT TRIỂN HIỆN NAY
1. Văn hoá làng xã và sự biến đổi văn hoá làng
Làng là đơn vị tụ cư truyền thống của người Việt, “là khối dân cư ở nông thôn làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt, là đơn vị hành chính thấp nhất thời phong kiến” Làng là “đất thiêng”, có ý nghĩa rất đặc biệt gắn liền với vòng đời của mỗi con người, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống đã được cộng đồng lựa chọn, giữ gìn và phát huy.
Làng xã truyền thống người Việt ở Diễn Phúc được hình thành bằng nhiều con đường trong suốt tiến trình lịch sử. Trải qua quá trình phát triển, cộng đồng dân cư ở các làng quê đã sáng tạo ra những sinh hoạt văn hóa, các thiết chế và liên kết xã hội hết sức chặt chẽ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Văn hóa làng là hình thái văn hóa đặc biệt, gắn liền với các làng tụ cư cổ truyền ở nông thôn của người Việt, có thể hiểu “Văn hoá làng là bản sắc riêng của làng, là toàn bộ cuộc sống của làng với những đặc điểm mang tính chất truyền thống từ ăn, ở, đi lại, mọi hoạt động, cách tổ chức, những quy ước, lối sống, ứng xử, những phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng cho đến cả tâm lý của mọi thành viên trong làng với những đặc trưng riêng của nó” 
Khi nói đến văn hoá làng, cần quan tâm đến tính truyền thống. Tuy nhiên, không nên hiểu đơn giản rằng, tính truyền thống là những cái thuộc về quá khứ và cho rằng nó đã bị lỗi thời trong thời hiện đại, mà ngược lại, nên hiểu truyền thống là những cái đã được thử thách qua thời gian, là sự chuẩn mực mà toàn thể cộng đồng đã lựa chọn, bảo lưu, giữ gìn và phát triển. Tính chất truyền thống là những thứ ổn định cần được bảo vệ và có trách nhiệm phát huy nó, làm cho nó phong phú, đa dạng và tốt đẹp hơn.
Biến đổi văn hoá làng là sự vận động, thay đổi bức tranh văn hoá làng nói chung hay sự biến đổi của các thành tố, các phương diện trong chỉnh thể đời sống văn hoá của cộng đồng làng. Đó là sự thay đổi không gian sống, lối sống, các phong tục tập quán, thay đổi chức năng của các thiết chế văn hoá truyền thống…
 Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội không chỉ làm biến đổi đời sống văn hoá đô thị mà còn làm biến đổi văn hoá ở các làng quê truyền thống. Nhìn chung sự biến đổi đó có tác động tích cực, đem lại sự tiến bộ trong đời sống xã hội nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Nhưng đồng thời, quá trình này cũng cho thấy những vấn đề phức tạp nảy sinh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và văn hoá của cộng đồng làng như nảy sinh lối sống thực dụng, đề cao giá trị vật chất; các yếu tố văn hoá ngoại lai, độc hại xâm nhập dẫn đến nguy cơ mai một những giá trị truyền thống tốt đẹp; những vấn đề phức tạp trong an ninh trật tự ở khu vực nông thôn; sự ô nhiểm môi trường v.v…
2. Những nét biến đổi văn hóa làng xã truyền thống người Việt Diễn Phúc trong xu thế phát triển hiện nay
Diễn Phúc là nơi vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống làng xã đặc trưng. Diện mạo làng quê Diễn Phúc đổi thay từ khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” ra đời, cùng với đó là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống của nhân dân, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau bằng nhiều hình thức thiết thực, các thiết chế văn hoá được đầu tư xây dựng từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; loại bỏ dần những yếu tố hủ tục, mê tín dị đoan, tạo ra không gian văn hoá lành mạnh ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động và ảnh hưởng tích cực thì sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay cũng tạo ra những hiệu ứng không mong muốn đối với đời sống xã hội và văn hoá của cộng đồng dân cư ở các làng quê: Sự chuyển dịch cơ cấu lao động do một bộ phận cư dân nông thôn rời xa làng quê lên các thành phố học tập và tìm kiếm việc làm; diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp; mối quan hệ giữa gia đình với gia đình, gia đình với cộng đồng làng xã có sự suy giảm; sự yếu kém trong xử lý nước thải, rác thải gây nên ô nhiểm môi trường đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan các làng quê và đời sống, sức khoẻ của nhân dân.
đình làng
Đình làng

Văn hoá là dòng chảy không ngừng nghỉ, trong dòng chảy đó có những giá trị sẽ được bồi đắp, phát triển để có thể trường tồn cùng thời gian, có những giá trị mang ý nghĩa lịch sử, khi điều kiện khai sinh ra những giá trị ấy thay đổi hoặc không còn thì tự thân giá trị ấy sẽ suy giảm và phai nhạt. Trong xu thế phát triển theo hướng hội nhập hiện nay, việc “giao lưu” và “tiếp biến” văn hoá là một quy luật phát triển. Vấn đề là chúng ta phải biết chọn lọc những giá trị tốt đẹp, phù hợp với truyền thống dân tộc và không đi ngược lại xu thế của thời đại. Trên tinh thần đó, nhiều làng quê Diễn Phúc vẫn duy trì nhiều phong tục, tập quán lối sống tốt đẹp như coi trọng quan hệ họ tộc, tình làng nghĩa xóm, tôn trọng người cao tuổi, coi trọng học hành, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất…Đó chính là những yếu tố văn hoá quan trọng, là sức mạnh nội sinh, góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác của cộng đồng trong các làng quê.
giếng làng Thân
Giếng đình Làng

Sự biến đổi của các làng quê theo xu thế phát triển hiện nay là một tất yếu khách quan, để hồn quê không mất đi, công tác tuyên truyền cần được tăng cường hơn nữa sao cho mỗi gia đình, mỗi người dân, mỗi cộng đồng thấy được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con cháu gìn giữ những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của quê hương; xây dựng và hoàn thiện các quy định ứng xử ở làng trong tất cả các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội; xây dựng các giá trị văn hoá mới phải tiến bộ, đậm đà bản sắc truyền thống; có những quy ước cụ thể chống lối sống thực dụng, đảo lộn các thang giá trị xã hội, sự phá hoại thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của làng xã truyền thống; có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các thiết chế văn hoá cơ sở, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hoá, đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động các nguồn lực vào giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá làng. Để làng quê trở thành nơi lưu giữ bản sắc văn hoá của cộng đồng, trở thành một chốn yên bình trong mỗi con người. Đồng thời, những làng còn lưu giữ những nét xưa đã trở thành những địa chỉ du lịch hấp dẫn, có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Vậy nên, hạn chế sự tác động từ bên ngoài, khơi dậy được nội lực bên trong, phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ tạo ra một liều kháng thể chống lại những vi rút độc hại xâm nhập vào đời sống ở các làng quê hiện nay.
 
 

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Hảo - Công chức VH-XH

Nguồn tin: dienphuc.dienchau.nghean.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây